Châu Âu với hàng chục quốc gia không phải là thị trường tôm lớn nhất toàn cầu – với thị phần chỉ chiếm khoảng 11%. Tuy nhiên, đây là thị trường đa dạng với nhiều loại tôm khác nhau để đáp ứng thị hiếu và nhu cầu tiêu thụ phong phú.
Sự phổ biến của TTCT và cạnh tranh mạnh mẽ từ tôm đỏ
Hiện tại, khoảng 30% lượng tôm tiêu thụ ở châu Âu được sản xuất trong nước và 70% được nhập khẩu. Trong số đó, 60% là tôm nuôi. TTCT hiện đang dẫn đầu thị trường tôm tại châu Âu, dù đã từng chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Năm 2023, nguồn cung tôm giảm còn 450.000 tấn, giảm 10% so với năm trước do nhu cầu giảm và tồn kho lớn.
Tôm đỏ Argentina, đặc biệt là tôm nguyên con (HOSO), nổi bật với chất lượng cao nhưng phải cạnh tranh với TTCT giá rẻ. Để giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh, một số doanh nghiệp đã chế biến tôm đỏ ở các nước thứ ba, đặc biệt là tại nam Âu và Tây Bắc Âu.
Thập kỷ vừa qua, thị phần tôm sú tại châu Âu suy giảm do sự cạnh tranh từ TTCT với giá rẻ và tiêu chuẩn bền vững cao hơn. Tôm sú hiện chỉ giữ thị phần nhỏ trong ngành dịch vụ ẩm thực và bán lẻ. Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng mạnh đến nhu cầu tôm sú, nhưng năm 2022 đã có dấu hiệu hồi phục với mức tiêu thụ đạt 40.000 tấn, giảm lại còn 30.000 tấn vào năm 2023.
Thị trường toàn cầu và ba điểm nổi bật
Châu Âu bao gồm 3 khu vực chính định hình thị trường là Tây Bắc, Nam và Đông, cùng với vương quốc Anh. Theo Ủy ban châu Âu (EC), mức tiêu thụ tôm bình quân là 1,5 kg/người, chiếm 6% tổng tiêu thụ thủy sản. Ví dụ, Tây Ban Nha tiêu thụ 3 kg/người, trong khi Hà Lan chỉ tiêu thụ 600 g/người. Các hãng chế biến lớn thường chọn các sản phẩm TTCT lột vỏ hoặc nguyên con để phân phối khắp thị trường.
Nam Âu tập trung vào chế biến và phân phối tôm ướp lạnh. Các ông lớn như Delpierre, Pescanova tại Pháp ưu tiên nhập khẩu TTCT HOSO rồi chế biến chín để bảo đảm màu sắc đỏ tươi, đi kèm với chứng nhận bền vững. Ở Tây Bắc Âu, các doanh nghiệp như Heiploeg, Dutch Seafood Company chiếm hơn 60% thị phần với các sản phẩm đông lạnh và tươi sống.
Tôm nhập khẩu tại châu Âu thường qua các nhà máy chế biến tại Tây Bắc trước khi phân phối sang các quốc gia khác. Người tiêu dùng ở Benelux (Bỉ, Hà Lan, Luxembourg) ưa chuộng tôm chế biến sẵn, với giá cả và chứng nhận bền vững là yếu tố quan trọng. Bán buôn tôm sú vẫn phổ biến như một sản phẩm thay thế cao cấp cho TTCT.
Thị trường Nam Âu gồm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italia tiêu thụ hải sản tươi sống và ướp lạnh. Tôm HOSO rất được ưa chuộng, đặc biệt tại Pháp, nơi tôm có màu sắc đẹp hơn sẽ đạt giá cao hơn 20%.
Cơ hội và thách thức đối với các nhà xuất khẩu
Tỷ lệ lạm phát giảm từ 0,9 đến 2,3% trong quý I/2024 đã giúp nhu cầu TTCT đông lạnh tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, đạt 85.000 tấn. Nhập khẩu tôm từ Ecuador và Ấn Độ duy trì ổn định, trong khi Việt Nam dự báo tăng trở lại vào tháng 5/2024.
Xu hướng tiêu thụ sản phẩm tiện lợi ngày càng tăng, đặc biệt tại Tây Bắc Âu. Tại Nam Âu, TTCT vẫn có lợi thế vì giá thành thấp. Nhu cầu tăng trưởng kép hàng năm của thị trường tôm châu Âu dự kiến đạt 7% trong vài năm tới nhưng vẫn phải đối mặt với các yếu tố như biến đổi khí hậu và bất ổn chính trị.
Giá tôm tại châu Âu bị tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó tôm nuôi từ châu Á và Mỹ Latinh đang chiếm ưu thế trước tôm nước lạnh tự nhiên.
Tuấn Minh
(Tổng hợp)
Add comment