Việc Mỹ đang cân nhắc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường theo báo cáo từ SSI Research đã mang lại một làn gió hy vọng tích cực cho nhiều ngành kinh tế Việt Nam, đặt biệt là ngành thủy sản.
Mở Ra Thị Trường Khổng Lồ
Năm 2023, Mỹ chính thức trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch đạt 97 tỷ USD, chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, các ngành như dệt may, giày dép, gỗ và thủy sản đều có đóng góp vượt trội vào tổng kim ngạch xuất khẩu, với tỷ lệ lần lượt là 43%, 35%, 54% và 17% vào năm 2023.
Theo Tổng cục Hải quan, chỉ trong tháng 4/2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã đạt 8,98 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch 4 tháng đầu năm lên 34,73 tỷ USD. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với 28% tổng kim ngạch xuất khẩu, và có 7 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.
Thủy sản là một ngành hứa hẹn sẽ có nhiều lợi thế nếu Việt Nam được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường. Ảnh: PTC
Trong 10 năm gần đây, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ dao động từ 1,5 đến 2,1 tỷ USD mỗi năm, chiếm từ 18% đến 23% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Mỹ luôn là thị trường chủ lực cho các sản phẩm như tôm, cá ngừ, cá tra và hải sản. Trong năm 2023, Việt Nam đã vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia xuất khẩu nhiều ghẹ đỏ nhất sang Mỹ, với 2.803 tấn, trị giá 54,7 triệu USD.
Nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản tại Việt Nam đã coi Mỹ là một thị trường chiến lược. Theo báo cáo từ Công ty CP Vĩnh Hoàn, dù doanh thu tháng 3 tại Mỹ giảm 20%, nhưng đến tháng 4, doanh thu đã tăng 33% lên 411 tỷ đồng, giữ vững vị trí thị trường lớn nhất của doanh nghiệp.
Việc Mỹ đang xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường mở ra cơ hội lớn cho tăng trưởng xuất khẩu. Việt Nam đã nỗ lực để đáp ứng 6 tiêu chí của quy chế này, đặc biệt là sau khi nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ vào năm 2023. Ngày 8/5/2024, Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan để xem xét hồ sơ công nhận này. Hiện tại, Việt Nam năm trong danh sách 12 quốc gia có quy chế kinh tế phi thị trường của Mỹ, do đó bị áp dụng giá từ nước thứ ba thay thế để tính giá sản xuất. Quyết định cuối cùng sẽ được Mỹ thông báo ngày 26/7.
SSI Research đánh giá rằng, lợi ích lớn nhất khi được công nhận là doanh nghiệp Việt có thể sử dụng giá sản xuất của chính mình trong các điều tra phá giá, tạo ra lợi thế cạnh tranh bình đẳng. Hàng hóa Việt cũng có thể hưởng lợi từ quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) từ Mỹ.
Theo Bộ Công thương, khi được công nhận quy chế kinh tế thị trường, thuế chống bán phá giá sẽ giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam tại thị trường Mỹ. Điều này giúp các sản phẩm thủy sản có lợi thế cạnh tranh về giá, giúp người tiêu dùng Mỹ dễ dàng tiếp cận với thủy sản chất lượng và giá cả hợp lý từ Việt Nam.
Thử Thách và Cơ Hội
Mỹ là một thị trường phức tạp với 50 tiểu bang, mỗi bang có những quy định, văn hóa và tập tục thương mại riêng biệt. Do đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về tiểu bang mình sẽ kinh doanh và nắm vững các quy định pháp lý, hải quan và HS code, C/O để tránh rủi ro.
Tham tán thương mại Đỗ Ngọc Hưng dự báo năm 2024 sẽ là một năm đầy thách thức cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ do sức mua giảm và nhu cầu đối với thực phẩm đắt đỏ chưa tăng. Chi phí gia tăng cũng gây áp lực cho nhà nhập khẩu Mỹ, khiến họ không giảm giá bán sản phẩm.
Thị phần hàng thủy sản Việt Nam còn đối mặt với khó khăn khi phần lớn doanh nghiệp chỉ phân phối qua kênh trung gian. Chi phí vận chuyển cao làm giảm tính cạnh tranh so với các nước khác như Ecuador và Ấn Độ.
Giá tôm nguyên liệu của Việt Nam cao hơn đôi chút so với các đối thủ cạnh tranh như Ecuador, Ấn Độ và Indonesia. Nguyên nhân là diện tích nuôi nhỏ lẻ, chất lượng giống chưa đảm bảo và chi phí sản xuất gia tăng.
Vân Anh
Hiện tại, Việt Nam đã được 72 quốc gia công nhận quy chế kinh tế thị trường, bao gồm Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh. Quyết định từ Mỹ sẽ tạo tiền đề giúp EU công nhận Việt Nam. Từ nay đến ngày 26/7 sẽ là khoảng thời gian quan trọng, đòi hỏi sự nỗ lực mạnh mẽ từ phía Chính phủ Việt Nam.
Add comment