Bình Thuận, từ ngày 15 – 17 tháng 5 năm 2024 – Trong một nỗ lực đáng chú ý nhằm bảo vệ môi trường biển, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã phối hợp với Hội Thuỷ sản Việt Nam, Cục Thủy sản và Cục Kiểm Ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF-Việt Nam) và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh Greenhub để tổ chức “Họp tham vấn – Tập huấn tích hợp nâng cao năng lực cho Mạng lưới Khu bảo tồn biển (KBTB)/Vườn quốc gia (VQG) và Chi cục Thuỷ sản Việt Nam” tại Mũi Né, Bình Thuận.
Sự kiện này đã thu hút sự tham gia của đại diện từ 16 KBTB/VQG và chi cục Thủy sản của 28 tỉnh thành ven biển trên cả nước.
Mục tiêu của chuỗi hoạt động là nâng cao năng lực mạng lưới KBTB/VQG và Chi cục Thủy sản trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường biển, đa dạng sinh học và quản lý hiệu quả KBTB. Các nội dung chính bao gồm: tổng kết 5 năm giám sát rác thải nhựa bãi biển và rạn san hô; họp mạng lưới KBTB để cập nhật các quy định mới; đảm bảo tài chính bền vững cho các KBTB/VQG có hợp phần biển; giám sát hoạt động đánh bắt không chủ ý và tập huấn cứu hộ rùa biển cũng như động vật biển.
Năm 2015, Liên Hợp Quốc đã thông qua Chương trình Nghị sự về Phát triển Bền vững đến năm 2030 với 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững. Mục tiêu số 14 tập trung vào việc bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và nguồn tài nguyên biển.
Nghị quyết 36/NQ-TW năm 2018 của Ban chấp hành Trung Ương Đảng đã chỉ rõ ô nhiễm môi trường biển đang diễn ra nghiêm trọng; ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề cấp bách; và các hệ sinh thái biển cùng đa dạng sinh học biển đang bị suy giảm. Một số mục tiêu cụ thể của Nghị Quyết gồm có: ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm biển, tăng diện tích các khu bảo tồn biển và phục hồi rừng ngập mặn ven biển.
Việt Nam đã ban hành một số quy định để thực hiện cam kết đối với các Mục tiêu Phát triển Bền vững và Nghị Quyết 36, như Quyết định 1746/QĐ-CP “Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030”. Theo đó, đến năm 2025, 80% các KBTB sẽ không còn rác thải nhựa và đến năm 2030, con số này sẽ là 100%.
Bà Bùi Thị Thu Hiền , chuyên gia IUCN báo cáo tóm tắt 5 năm giám sát rác thải nhựa bãi biển và rạn san hô-đánh giá xu thế ô nhiễm nhựa ở các KBTB/VQG. Ảnh: Ái Trinh
Nghị định 26/NĐ-CP năm 2019 về Quỹ bảo vệ và Phát triển Nguồn lợi Thủy sản đã quy định rõ cơ chế hoạt động và quản lý tài chính để hỗ trợ bảo tồn biển.
Đánh bắt không chủ ý các loài thú biển tại Việt Nam cũng là vấn đề nổi cộm, gây suy giảm tái tạo và ảnh hưởng kinh tế địa phương nhưng chưa được chú ý nhiều. Nghề cá tại Việt Nam chủ yếu quy mô nhỏ, đa ngư cụ và đây là một thách thức lớn.
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực như phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn rùa biển và ban hành quy trình cứu hộ các loài động vật biển để giảm thiểu đánh bắt không chủ ý thú biển và hướng tới nghề cá bền vững.
Để thực hiện các quy định chính sách nhà nước và cam kết quốc tế trong giải quyết các vấn đề này, sự hợp tác của mạng lưới KBTB/VQG và Chi cục Thủy sản là rất quan trọng. IUCN luôn phối hợp với các đối tác để hỗ trợ nâng cao năng lực cho mạng lưới KBTB/VQG và các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học biển. Năm 2024, chương trình này sẽ tiếp tục với sự tham gia từ mạng lưới KBTB/VQG và Chi cục Thủy sản khắp cả nước.
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cũng đang xúc tiến nhiều cơ chế tài chính nhằm tăng cường nguồn tài chính bền vững cho công tác bảo tồn biển, như phí tham quan, phí người dùng, và các chương trình như phí bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo hiểm san hô và tín chỉ carbon đại dương. UNDP cũng triển khai nhiều dự án cộng đồng trong đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn rùa biển và bảo vệ hệ sinh thái san hô.
Add comment