Với dân số gần 90 triệu người, đứng thứ 17 trên thế giới, Iran là một thị trường tiêu thụ khổng lồ ở khu vực Trung Đông. Các sản phẩm nông sản, đặc biệt là cá tra Việt Nam, đang có tiềm năng lớn để khai thác. Cơ hội hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Iran vẫn còn rất rộng mở.
Ðại sứ Iran Ali Akbar Nazari đã nêu bật tiềm năng của nước này với các sản phẩm Halal, đặc biệt là những sản phẩm nông sản, thủy sản phong phú từ Việt Nam. Iran, với vị trí chiến lược tại Trung Đông, hứa hẹn là một thị trường hấp dẫn cho kinh doanh và giao thương.
Tuy vậy, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Iran trong những năm qua chỉ đạt mức trên 100 triệu USD, một con số thấp so với tiềm năng của thị trường này. Các sản phẩm chủ yếu xuất khẩu từ Việt Nam gồm có hạt tiêu, hạt điều, chè, cà phê, hải sản, hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ.
Người dân Iran đang ngày càng ưa chuộng cá tra từ Việt Nam nhờ hương vị hấp dẫn. Ảnh: Gia Bảo
Ngành thủy sản Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ ở thị trường Iran. Đặc biệt, sản phẩm cá tra đang ngày một phổ biến và được ưa chuộng. Trong tháng 4/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Iran tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu một bước tiến quan trọng cho ngành hàng này.
Cụ thể, giá trị xuất khẩu cá tra sang Iran trong tháng 4/2024 đạt gần 700.000 USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023 và là mức cao nhất kể từ tháng 9/2022. Trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch này đạt hơn 1,2 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, chuyên gia thị trường Cá tra VASEP, từ năm 2019, xuất khẩu cá tra sang Iran liên tục tăng trưởng mạnh. Năm 2022, kim ngạch tăng 137% so với năm 2021, đạt gần 5 triệu USD, chiếm 83% trong tổng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Iran. Mặc dù năm 2023 giảm xuống còn hơn 4,1 triệu USD, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thể.
Về sản phẩm fillet cá tra đông lạnh, tháng 4/2024, Iran nhập khẩu hơn 24.000 USD, tăng gần gấp đôi so với tháng 4/2023. Tính luỹ kế từ đầu năm, con số này đạt gần 234.000 USD, tăng gấp 11 lần so với cùng kỳ năm trước và chiếm 19% tỷ trọng.
Theo bà Hằng, người tiêu dùng Iran có xu hướng tiêu thụ các sản phẩm cá tra đông lạnh/khô, song không ưa chuộng các sản phẩm giá trị gia tăng. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đáp ứng nhu cầu đặc biệt này của thị trường Iran.
Ðại sứ Iran Ali Akbar Nazari nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các tiêu chuẩn Halal khi xuất khẩu vào Iran. Các doanh nghiệp Việt Nam nên xem xét cách tiếp cận chiến lược và hợp tác để mở rộng thị trường Halal tại Iran. Điều này bao gồm xây dựng mối quan hệ và thích ứng với sở thích địa phương.
Ông Nguyễn Thành Long, Tham tán thương mại Việt Nam tại Iran, cho biết Iran là thị trường tiềm năng và là cửa ngõ trung chuyển cho hàng hóa Việt Nam vào Trung Đông và Trung Á. Các mặt hàng nông sản của Việt Nam có cơ hội lớn để xuất khẩu vào Iran, với giá trị thị trường nhập khẩu nông sản hàng năm khoảng 10 tỷ USD.
Vân Anh
Triển lãm EXPO AGROFOOD Iran 2024 về nông nghiệp, thực phẩm, máy móc và các ngành liên quan sẽ diễn ra từ ngày 8 – 11/6/2024 tại Iran; với sự tham gia của 698 công ty trong nước và 127 công ty nước ngoài. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp gỡ, trao đổi, quảng bá sản phẩm, phát triển xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Iran.
Add comment