Với bối cảnh giá thành tôm trong nước cao (tăng từ 3,5 USD năm 2009 lên 3,7 USD năm 2023 cho loại tôm cỡ 50-60 con/kg) và tỷ lệ hao hụt do bệnh tật lên tới 40-50% trong quá trình nuôi, ngành tôm Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức cần được giải quyết gấp.
Giảm giá thành sản xuất kết hợp với nỗ lực xây dựng thương hiệu mạnh mẽ, Tiến sỹ Nguyễn Văn Tiến tại De Heus (doanh nghiệp vận hành nhà máy sản xuất thức ăn tôm hiện đại tại Vĩnh Long với công suất lên tới 50.000 tấn mỗi năm) đề xuất “Chương trình dinh dưỡng và công nghệ tiên tiến nhằm thúc đẩy sự cạnh tranh và phát triển bền vững cho ngành tôm tại Việt Nam”.
Ngành tôm đang phải đối mặt với nhiều vấn đề tồn đọng từ khâu nguyên liệu cho đến phân phối và tiêu thụ. Các vấn đề từ giá cả, chất lượng, tình trạng nhiễm bẩn trong nguyên liệu thức ăn, cho đến khó khăn trong quá trình phân phối và các yêu cầu ngày càng cao từ thị trường xuất khẩu.
Để giải quyết những thách thức nêu trên, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà sản xuất thức ăn, nhà cung cấp giống và các trang trại nuôi tôm. Mục tiêu là tối ưu hóa quá trình sản xuất từ đầu vào đến đầu ra, không chỉ đảm bảo hiệu quả kinh tế mà còn gia tăng giá trị bền vững cho ngành.
Ảnh: Tôm giống chuẩn bị cho quá trình nuôi. Nguồn: Hóa chất nhà nông
Để đảm bảo hiệu quả cao, các giải pháp cần được áp dụng từ ngay các khâu đầu tiên như chọn lựa giống tôm chất lượng cao, sử dụng thức ăn có chất lượng tối ưu và áp dụng các biện pháp quản lý sức khỏe tôm hiện đại. Qua đó, tối đa hóa hiệu suất và giảm thiểu tối đa rủi ro bệnh tật.
Chiến lược này không những nâng cao chất lượng sản phẩm tôm mà còn đẩy mạnh quá trình xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường bền vững dài hạn, làm cơ sở để thúc đẩy xuất khẩu và nâng tầm thương hiệu tôm Việt trên trường quốc tế.
Add comment